Chứng hồ sơ xin việc ở đâu? Nơi thường trú hay Tạm trú?
Xin anh hãy tư vấn giúp e trường hợp sau đây:
E Hộ khẩu thường trú ở Kiên Giang. Nhưng hiện tại e đang thuê nhà và có đăng kí tạm trú ở quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Nay e muốn nộp hồ sơ để xin việc làm ( người ta yêu cầu phải công chứng) Em thấy trong bộ hồ sơ em mua thì gồm có 2 tờ Sơ Yếu Lý Lịch, 2 Đơn Xin Việc, 1 giấy khám sức khoẻ. Em không biết phải chứng như thế nào và chứng cái gì? Em hỏi thì được nhiều người hướng dẫn phải chứng Đơn Xin Việc và Sơ Yếu Lý Lịch, mà phải đem về tận Kiên Giang (chỗ mà trong CMND em ghi là nơi Đăng Ký Hộ Khẩu Thường Trú) để chứng. Một vài người lại bảo không cần về Kiên Giang, chỉ cần đem CMND gốc + đơn xin việc + sơ yếu lý lịch ra bất cứ uỷ ban nào chứng cũng được, vì giờ đã có luật mới rồi. Em thật tình không biết như thế nào, mong Anh hãy hướng dẫn cho em biết em cần phải có, phải đem theo những giấy tờ liên quan gì , cần đi đến đâu để chứng? Và cho em hỏi có cách nào mà chỉ cần chứng ở Thành phố Hồ Chí Minh, không cần phải về tới tận Kiên Giang để chứng không ạ? Chứng cái này thì gọi là chứng cái gì?
Em hiện tại có đầy đủ giấy tờ bên mình gồm có:
– Chứng minh nhân dân gốc.
– Hộ khẩu gốc ( ở Kiên Giang, là nơi mà trong Giấy CMND em ghi là Hộ khẩu thường trú, trong Hộ Khẩu này chỉ có 1 mình em đứng tên, không có ai khác).
– Bản sao Hộ Khẩu và CMND có dấu chứng thực sao y bản chính.
– Passport.
Trangtinphapluat.com, trả lời như sau:
Theo như nội dung bạn hỏi thì hồ sơ xin việc cần chứng những giấy tờ gì và chứng thực hồ sơ xin việc ở đâu?, chúng tôi trả lời bạn như sau:
Thường thi khi xin việc người sử dụng lao động chỉ yêu cầu nộp sơ yếu lý lịch, chứng minh nhân dân, hộ khẩu có chứng thực thôi còn đơn xin việc thì không chứng. Sơ yếu lý lịch thì chứng thực chữ ký hoặc chứng thực nội dung nếu UBND cấp xã biết rõ nội dung khai trong lý lịch là đúng, còn CMND và hộ khẩu thì chứng thực bản sao đúng với bản chính.
Để chứng thực các giấy tờ trên thì bạn có thể chứng ở bất kỳ Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã nào trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể pháp luật quy định như sau:
1. Đối với chứng hồ sơ xin việc:
1.1. Có thể chứng thực chữ ký hoặc chứng thực nội dung sơ yếu lý lịch
Trước khi Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịchđược ban hành thì vào ngày 20 tháng 3 năm 2014, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực ban hành Công văn số 1520/HTQTCT-CT về việc hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch, theo đó: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng.
1.2. Chỉ chững thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 23/2015/NĐ-CP được ban hành thì Chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch, đơn xin việc thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, thì thực hiện như sau:
Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
b) Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.
Thủ tục chứng thực chữ ký cũng được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản;
b) Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân;
c) Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật;
d) Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.
Không nhận xét trong sơ yếu lý lịch
Và theo Công văn 873/HTQTCT-CT ngày 25/8/2017 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực về việc quán triệt thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch thì: Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phổ biến, quán triệt và chỉ đạo đến tất cả các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực trên địa bàn (bao gồm UBND cấp xã, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, các tổ chức hành nghề công chứng) tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định…của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân; chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên Sơ yếu lý lịch theo đúng quy định tại Mục 3, từ Điều 23 đến Điều 26 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
2. Đối với chứng thực bản sao CMND, sổ hộ khẩu
Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau: Người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sao cần chứng thực. Nghĩa là bạn phải có bản chính CMND và Sổ hộ khẩu mới chứng thực bản sao được.
3. Quy định về thẩm quyền chứng thực hồ sơ xin việc
* Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp) có thẩm quyền và trách nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;
* Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;
Căn cứ vào quy định trên thì bạn có thể chứng hồ sơ xin việc tại Thành phố Hồ Chí Minh mà không cần phải về Kiên Giang.